Món Ngon Nhà Làm

HƯỚNG DẪN CÁCH NẤU MÌ VỊT TIỀM CHUẨN VỊ HOA

By July 25, 2020 No Comments

Là một món ăn độc đáo và có giá trị dinh dưỡng cao, mì vịt tiềm luôn là một trong những lựa chọn xứng đáng cho những bà nội trợ muốn nâng cấp thực đơn của gia đình. Có nhiều nguyên liệu, thành phần, nhưng cách chế biến mì vịt tiềm không quá khó như nhiều người lầm tưởng. Bài viết sẽ hướng dẫn cho bạn chi tiết cách chế biến món ăn hấp dẫn này!

Cách chế biến mì vịt tiềm

a. Chọn nguyên liệu chế biến món Mỳ vịt tiềm 

Để chế biến mì vịt tiềm, bạn cần chuẩn bị những thành phần sau: 

  • Đùi vịt: 6 cái
  • Xương cổ lợn: 1 cân
  • La hán quả: 1 trái
  • Cánh hồi: 2-3 hoa
  • Vỏ quýt khô: 1 miếng đủ dùng
  • Nấm đông cô: 6-7 tai
  • Đinh hương : 2g
  • Thục địa: 20g. (Nguyên liệu này có vẻ lạ, nhưng bạn có thể hỏi mua chúng ở các hiệu thuốc Đông y nhé)
  • Thảo quả chín: 2 trái
  • Hoa tiêu giúp khử mùi hôi của vịt: 2g

Gia vị ướp mì vịt tiềm:

  • Gừng già: 1 nhánh
  • Hành khô: 4-5 củ. Chọn loại hành ta cho thơm
  • Xì dầu: 2-3 thìa
  • Sả tươi: 4 cây
  • Riềng già: 1 củ to
  • Cải ngọt: 1 bó
  • Mì trứng

Các gia vị tẩm ướp khác: Muối, đường, hạt nêm, nước mắm….

b. Sơ chế nguyên liệu: 

Bạn tiến hành sơ chế nguyên liệu như sau:

Vịt: Vì vịt thường có mùi hôi nên bạn phải làm vịt thật sạch. Bạn chà toàn thân vịt bằng muối hạt, sau đó ngâm vịt trong nước 15 – 20 phút để mùi hôi ra hết rồi rửa lại thật sạch với nước.

Đùi vịt: Bạn đem lọc bỏ mỡ ở phần đùi vịt để món ăn không bị hôi và trông ngon miệng hơn

Xương: Rửa xương với nước muối loãng cho sạch rồi ngâm xương trong khoảng 2-3p cho hết bẩn, sau đó vớt ra và rửa lại vài lần cho sạch hẳn.

Gừng: Giã nhuyễn gừng rồi trộn cùng 1 nhúm muối trắng và 20ml rượu nếp. Sau đó bạn dùng hỗn hợp này để chà toàn thân vịt và ướp vịt trong 45 phút cho hết hôi hoàn toàn. 

Sơ chế thuốc bắc

– Vỏ quýt khô: Ngâm nước

– Nấm: Ngâm nước, sau đó rửa sạch và thái sợi

– La hán chín: Bóp dập để nước ra nhiều khi nấu, giúp nước ngọt hơn. 

– Các nguyên liệu tạo mùi (hoa hồi, hoa tiêu, thảo quả, đinh hương): Rửa sạch rồi cho vào chảo rang đến khi thơm.

Sơ chế gia vị

– Hành khô: Bóc vỏ nhưng vẫn để nguyên củ hành, chỉ cắt đôi những củ quá to. 

– Sả: Bỏ gốc, rửa sạch rồi đập dập và cắt khúc.

– Củ riềng: Bạn cạo vỏ rồi thái thành lát mỏng.

c. Chế biến món ăn:

Sau khi đã sơ chế các nguyên liệu, bạn tiến hành chế biến món ăn theo các bước sau: 

 – Đun một nồi nước, lúc nước sôi thì mang xương vào trụng sơ. Khi thịt đã se lại thì vớt ra, rửa cho sạch bẩn bám trên xương.

– Tiếp tục cho xương cùng nước vào ninh trên bếp ninh trong 2 tiếng để xương như và chất ngọt ở tủy tiết ra hết. Bạn nhớ dùng thìa hớt bọt nổi lên lúc nung nhé, bọt này là chất bẩn và tạp chất còn sót lại trong xương đấy.

– Bắt chảo lên bếp, chờ cho chảo nóng thì đổ vào một ít dầu. Chờ dầu sôi, bạn cho sả, hành, riềng vừa sơ chế vào phi. Đến khi chúng có mùi thơm và dần ngả vàng thì bạn vớt ra cho ráo dầu.

– Chờ đến lúc ninh xương được khoảng 90 phút thì bạn thả sả, hành, riềng vào nồi nước và đun tiếp cho nước thơm.

– Thoa xì dầu lên thân vịt rồi ướp trong 5 phút. Bạn lưu ý là không nhúng vịt vào xì dầu nhé mà chỉ thoa lớp da bên ngoài thôi nhé, vì lớp thịt bị thoa xì dầu thì sẽ có màu đen, nhìn không ngon miệng. 

– Bắt đầu chiên vịt (bạn có thể sử dụng luôn chỗ dầu vừa phi sả, riềng hành lúc nãy để chiên vịt cho thơm), khi vịt đã vàng tới thì vớt ra, để cho ráo dầu. Cần lưu ý rằng phải đảm bảo chiên vịt ngập trong dầu để vịt chín đều, giòn và thơm nhé!

– Sau khi vớt vịt ra, bạn chần vịt cùng một nồi nước sôi để vịt bớt dầu và có màu đẹp mắt hơn.

– Quay trở về với nước ninh xương. Sau khi ninh được 2 tiếng, bạn nêm thêm vào nước một chút muối và đường phèn. (Để đảm bảo vị vừa phải, bạn có thể cân nhắc tỷ lệ cứ 5l nước dùng thì cho 20g muối và 40g đường nhé).

– Tiếp tục cho đùi vịt, nấm đông cô thái sợi và thuốc bắc vào. Tiếp tục ninh nước trên lửa nhỏ khoảng 30 phút rồi nêm nếm lại nước dùng cho vừa miệng (bạn có thể thêm vào hạt nêm, dầu hào và 1 chút mắm Nam Ngư hoặc muối tùy theo khẩu vị của mình nhé)

– Sau khi xong nồi nước dùng, bạn tiến hành luộc mì trứng luộc trong nước sôi chừng 1 – 2 phút rồi vớt ra (mách nhỏ cho bạn nè, mì sẽ mềm hơn nếu bạn cho thêm dầu ăn vào khi luộc đấy).

– Với phần rau cải ăn kèm mỳ, bạn rửa sạch cải ngọt rồi trụng với nước sôi 1 – 2 phút rồi vớt ra, để ráo.

Hoàn thành và trình bày:

Vậy là bạn đã hoàn thành những phần cần thiết cho một tô mỳ vịt tiềm chuẩn vị rồi đấy. Để bày biện món ăn cho đẹp mắt, bạn cho mì trứng vào tô trước, đặt cải, đùi vịt và nấm đông cô lên rồi tưới nước dùng vào và thưởng thức là được.

Tại sao lại là mỳ vịt tiềm?

Mì vịt tiềm là món ăn ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Trong thịt vịt có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng dưỡng vị, bổ thận nên rất thích hợp cho người mang nhiệt, suy nhược cơ thể. Chưa kể, những thảo mộc được dùng trong quá trình chế biến mỳ cũng giúp thanh lọc và làm mát cơ thể hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao mỳ vịt tiềm được coi như một phương thuốc Đông y chính hiệu để bồi bổ sức khỏe. 

Nếu bạn đang cần tìm một món ăn độc đáo và bổ dưỡng cho gia đình thì đừng ngại thử ngay mỳ vịt tiềm nhé! Chúc các bạn thành công và có những bữa ăn thật ngon miệng.

 

Leave a Reply